top of page

Bất công trong chuyện tiền bạc &chi tiêu


Nếu hiểu được lao động vô hình của người vợ, người chồng không nói câu “anh ta nuôi vợ, nuôi con” như thể vợ anh ta cũng ngang bằng như một đứa con chẳng thể lo được gì, cần anh ta nuôi và bao bọc. Các cách tổ chức giới như nam ở chỗ nào, nữ sẽ thường ở chỗ nào, sẽ hạn chế những người nam nữ làm gì đó khác đi với những vai trò và vị trí bày sẵn. Bởi vì đi cùng với nó sẽ có những cơ chế khen thưởng hay trừng phạt cho những cá nhân đi ra ngoài những tổ chức đã phân định như thế. Chê cười cũng là một kiểu trừng phạt. Khuyên nọ khuyên kia cũng là một kiểm soát. Vì thế, tức thì tức thôi chứ tôi thừa hiểu, chuyện mình bị cười, bị khuyên abcdyz chuyện có chồng, có con là như thế nào, là để cho tôi vào những cái chỗ mà nếu mình ngồi vào đấy, giống mọi người, xã hội cũng đỡ loạn, những ai đang ngồi đấy cũng yên tâm hơn. Nhiều khi chẳng phải vì ghét những người queer, nhưng việc làm không giống ai, chẳng hại ai, khiến những người cảm giác mình có trách nhiệm duy trì các trật tự giới thấy cần phải ra tay để dẹp đi nỗi bất an của chính họ. Hay tôi có thể hiểu những người đàn ông ngần ngại làm công việc vốn cho là của phụ nữ trước mặt người khác, không phải vì họ không muốn làm, hay lười biếng mà vì họ sợ những đôi mắt bên ngoài nhìn vào, đánh giá họ. Hoặc đôi khi chính những người phụ nữ cũng không cho họ làm vì “họ là đàn ông mà!”. Vì cấu trúc giới như thế mà chuyện anh chồng ra trận vài năm được coi là được nhiên. Được khuyến khích, được ca ngợi. Đàn ông phải thế! Vì thế mà nhiều người phụ nữ chẳng can ngăn, thậm chí tự hào vì những người đàn ông của mình làm như thế, bất kể cost nó lớn như thế nào cho họ, cho những người khác và cho những người đàn ông. Anh nào mà không dám theo đuổi, có khi còn bị khinh khi, bị cười chê, bị bạn đời ruồng rẫy. Hoặc lỡ theo rồi, mà thở than cũng không dám nữa. Tưởng đấy là chuyện xã hội phong kiến ư? Không, đàn ông hiện đại, nhiều người bị trầm cảm vì không thể bộc lộ được con người bên trong với những nỗi lo lắng và đổ vỡ và đặc biệt khi họ thất bại. Nói đến đây lại không thể không nhắc đến một hình ảnh chồng một người bạn mới xuất hiện trong một cuộc gặp gần đây. Cậu ấy không tháo vát bằng vợ và khả năng kiếm tiền cũng thấp hơn. Có lẽ vì thế mà cậu xuất hiện như một người không còn sức sống. Tôi thấy tội nghiệp cho cậu mà cho cả những ai thấy rằng mình thua kém chỉ vì kiếm được ít hơn. Giá trị của một con người có nhiều hơn thế và chắc chắn trong cuộc sống riêng tư, có nhiều điều cậu có thể làm được và gánh cho vợ những gánh nặng. Mang một tâm lí thua kém và cuối cùng gần như give up mọi thứ, tôi thấy tội nghiệp kinh khủng cho cả hai người. Từng biết cậu từ trước. Thấy cậu như thế, tôi không khỏi chạnh lòng. Chắc chắn cậu mang những gánh nặng tâm lí nặng nề và không thể sẻ chia hoặc có thể biết đường mà gỡ ra. Chẳng thế mà, ông thầy tôi đã viết hẳn một cuốn sách sau bao nhiêu năm trời làm trị liệu tâm lí cho những người đàn ông và đặt tên cuốn sách là Những người đàn ông vô hình [1]. Khi người đàn ông cho mình là chủ một gia đình. Coi cả một doanh nghiệp là sự nghiệp của anh ta. Anh ta “lên ngựa” như trong Chinh phụ ngâm là đi ra cái chiến trường cũng cạnh tranh đầy khốc liệt ấy, không phải là không có đầy lo toan. Nhưng những toan tính, đầu tư của anh ta cùng với cost và gain, không có những tính toán về cost và gain cho người vợ. Nếu thành công, anh ta sẽ trở về, được tiến cử- gần “bệ rồng” là phần thưởng cho sự chinh chiến ấy là của anh ta. Phần thưởng của người đàn ông hiện đại khi chinh chiến bên ngoài thành công là gì? Là tiếng nói có trọng lượng hơn, là nhiều của cải vật chất hơn. Vợ anh ta được gì, mất gì? Cô ấy sẽ được mua nhiều trang sức, quần áo? Sẽ nở mày nở mặt với mọi người vì của cải mà người chồng mang lại? Cô ấy có thể sẽ được chồng “cho” nhiều tiền hơn mà tiêu? Trong phép tính đầu tư với được và mất, khi người chồng quyết định làm một vài cú mạo hiểm, được anh ta được nhiều hơn vợ, nhưng khi thua, người vợ và những đứa con chịu đầu tiên. Rất nhiều người đàn ông không thấy mình xấu và không tôn trọng vợ. Vì mình lao động, kiếm tiền và cũng mang tiền ấy về nhà chứ ai? Cô ấy cầm cái thẻ để có thể chi tiêu cơ mà. Nhưng khoản tiêu nào cô ấy dùng, sẽ báo đến điện thoại của anh ta. Sẽ có những truy vấn. Nhưng dù không có làm sai điều gì, cái việc tự do với một sợi xích hơi dài xuất hiện ở đấy. Vì tiền ấy sẽ đựợc nhắc là tiền không phải cô kiếm được. Tiền của chồng. Khoản đầu tư và dành lại được bằng tiền bạc ấy không thực sự được coi là cân bằng về phân chia. Người vợ sẽ được nhắc nhở về việc giải trình, về việc chi tiêu của cô. Cho dù coi đấy là tiền của cả một gia đình, nhưng người chồng sẽ không tự hỏi, người vợ có được sự công bằng trong quyết định chi tiêu cũng như chi tiêu giống anh ta trong món tiền đó hay không. Và sự đầu tư mạo hiểm ấy có phải là một quyết định dựa trên phân tích được mất của cả hai người và người vợ sẵn sàng thoải mái với điều đó hay không? Nếu không, giải pháp hoặc thỏa thuận là gì, mà anh ta dự định sẽ tôn trọng điều ấy như một cam kết trong hợp đồng đầy nghiêm túc hay không? Nhiều người đàn ông, mỗi tháng gửi vợ vài triệu và giữ phần còn lại tự do quyết định chuyện mình sẽ làm gì với số tiền đó là quyền của mình cũng thể hiện một mindset tương tự. Số tiền anh ta kiếm được, chinh chiến bên ngoài là của anh ta. Số tiền anh ta gửi để vợ lo chuyện gia đình, chưa bao giờ tính đến khoản tiền mang lại tự do cho vợ. Nếu cô ấy cũng chinh chiến bên ngoài như anh ta, cô ấy sẽ kiếm được và cũng thoải mái chi tiêu, không cần giải trình, nhưng nếu cô ấy làm việc full time tại gia đình và việc kiếm của cô không phải bằng tiền, thì đảm bảo tự do cho cô như thế nào? Phép tính ấy không hề công bằng, khi người chồng không nhìn ra, ngay từ lúc có bầu, và rồi nuôi con, cán cân cân bằng ấy càng ngày càng đuối, xa dần về phía người vợ; thua thiệt so với bạn bè nam giới cùng lứa với cô và thiệt ngay với chồng. Dân gian có nhiều câu để an ủi như với vợ chồng, ai tính hơn thiệt, ai lại đi kể công. Chỉ có mà “Vì chồng nên phải gắng công”, nhưng đầy người vợ thừa biết mình đâu có “xương sắt, da đồng chi đây.”, hay “gái có công, chồng chẳng phụ” để hy vọng vào sự ghi nhận, thấu hiểu và bù đắp, nhưng nếu như sự hy sinh và thiệt thòi ấy không được nhận diện thì bù đắp thế nào? Vài người bạn của tôi đều kể một câu chuyện chung, liên quan đến sự thiệt thòi quá mức của họ. Họ đều là phụ nữ đã đi làm, đều được những người đàn ông gọi là chồng từng theo đuổi thiết tha, và họ đều có ít nhiều tiếng nói với chồng. Khi lấy nhau, những người chồng ấy có bao nhiêu tiền lương đều đưa họ hết. Nhiều người đàn ông coi đấy là sự thiệt thòi. Tôi có đó là gánh nặng. Trao cho việc giữ tiền đâu phải là được trao cho sự tự do và công bằng? Các bạn tôi phải lo lắng không chỉ cân bằng trong chi tiêu, chuyện làm nhà làm cửa, bên nội và bên ngoại, thậm chí lo cả việc vay nợ của hai vợ chồng. Nếu thu nhập của cả hai đủ để họ có tự do về tài chính, không phải suy nghĩ là chuyện khác, còn không, những người bạn của tôi chịu gánh nặng nơi công việc, lo toan hết cả việc nhà, công thêm một công việc lên kế hoạch và quản lí tài chính- vốn đau đầu, không được chia sẻ lại còn mang tiếng keo kiệt, giữ hết sạch của chồng. tôi mà là người chồng tôi cũng chẳng thích mỗi lần đi đổ xăng hay một cuốn sách để đọc cũng phải xin. Lúc vui vẻ thì không sao, lúc căng thẳng, bực tức, mà lại cần tiền, nhưng lại phải đợi để làm lành, thật chẳng ra sao. Mình phải đi xin khoản tiền chung hoặc phải tỏ một thái độ biết điều để lấy một khoản tiền chung, điều này áp dụng cho cả hai, cho một khoản tiêu cũng chung hoặc chính đáng, thật không có gì nực cười, khó chịu và hạ nhân phẩm của nhau như thế. Những khoản chi tiêu trong gia đình, người vợ phải lo lắng, cân đối và đôi khi chịu không biết bao mệt mỏi khi tài chính của cả gia đình không dư giả. Giao hết cho cô, người chồng cho mình luôn cái quyền tặng những câu như “không biết tiền đi đâu mà hết nhanh thế” hay những giải trình mà dù có dài hay ngắn cũng không thay đổi lời buộc tội đã có sẵn. Tức sôi máu, cãi nhau chán chê rồi, quẳng hết, trả lại hết cho chồng- sẽ bớt hao tâm hơn? Người phụ nữ bị một cái bẫy khác. Cô đợi chồng đưa tiền để chi tiêu như nhận tiền bố thí- cái cảm giác mà người chồng dù có được nhắc đến rất nhiều lần cũng không thấy. Cho dù họ thống nhất về số lượng, ngay cho dù đã đồng ý việc đưa và nhận ấy gây ra những khó chịu và thất vọng, sự tôn trọng cam kết cũng như người vợ còn ở chỗ người chồng không hoàn toàn làm việc đó như một công việc cam kết- có nghĩa có lúc anh ta sẽ đưa, có lúc sẽ không. Và khi người vợ quá chán nản, tìm mọi cách để có thể có tiền, để vận động thêm tiền cho mình, người chồng sẽ khinh bỉ, ỉ ôi cái khoản tiền nàng kiếm được cỏn con và bảo nàng lơ đễnh việc nhà, trách nhiệm của nàng hay làm mất thể diện của chồng (chính xác nhân vật Thái đã nói thế với Khuê khi cô đi làm giúp việc, hay nấu ăn bên ngoài). Sự khổ sở trong việc loay hoay để có sự tự chủ ấy, là một emotional cost rất lớn vì nó đánh vào lòng tự trọng và sĩ diện của người phụ nữ. Nàng phải đi xin, ngửa tay xin và cảm thấy mình thảm hại, hoặc nàng phải keo kiệt, phải tìm cách xoay tiền trong lúc vẫn lo những việc nàng đang làm. Sự không tôn trọng và sự bất bình đẳng sờ sờ ra đó, nhưng người đàn ông tốt chỉ cho rằng mình quên, hoặc mình đang khó khăn. Anh ta không nhận ra rằng, nếu thực sự quan tâm đến điều điều được mất của người bạn đời, và cảm xúc của người đó, họ phải đặt một khoản “đầu tư và duy trì vào đó” ngang bằng như sự ưu tiên trong con đường chinh chiến của mình. Một người bạn tôi kể. Cô mất việc ngay vào ngày hôm sau khi cô thông báo có bầu. Là một người làm việc nhiều kinh nghiệm và giỏi giang, cô không thiếu nhiều cơ hội. Tuy thế, chỗ nào cô đến, biết cô có bầu, người ta cũng ngần ngại, ngãng ra. Cô bị cả những người sử dụng lao động là phụ nữ từ chối. Họ thừa hiểu cô sẽ không thể xông xáo như trước. Xót xa một điều là phụ nữ với nhau, không đảm bảo họ sẽ đối xử fair hơn với các chị em khác. Tư tưởng gia trưởng hay theo đuổi quyền lực, tiền bạc như một thang đánh giá và phấn đấu, không chỉ thấm nhuần ở nam giới. Có người bạn, sau khi sinh và nghỉ đẻ ở nhà, sự nghiệp của cô bị kéo lại trầm trọng chỉ sau bảy tháng nghỉ sinh- đủ thời gian để đối thủ của cô có thể thiếp lập một trật tự quyền lực mới. Sự thiệt thòi và mất mát, hao tổn không chỉ về cơ hội, tài chính mà cả hao tâm nữa, không phải người bạn đời nào cũng thấy hết. Mà khi ở một thời điểm dễ bị tổn thương ấy, rất nhiều người còn bị đặt xuống địa vị thua kém hơn, bị đè thêm cho vài cú nữa từ người chồng; cặp bồ, chê vợ xấu, béo, chê vợ không biết chăm con, etc. Hay những cú từ gia đình hai bên, từ những người phụ nữ khác. [1] Invisible Men: Men's Inner Lives and the Consequences of Silence, Michael Addis.2011 (còn nữa) --- mất mấy hôm hào hứng viết, tự nhiên lại tụt mood. Tự hỏi không biết có nên tiếp tục. Nói ra những thứ ai chẳng biết, vừa liên quan mà lại cũng chẳng liên quan. Người mình nghĩ nên đọc, có khi chẳng bao giờ sờ đến. Bài mà mình viết thì dài ngoẵng, lại có vẻ công kích. Xưa nay, nói về giới, dường như cũng chỉ quanh những người phụ nữ, đến được rất ít tới nam giới. Hừ, đúng ra mình ko qualified để viết những bài này. Một kẻ chọn đứng ngoài rồi cơ mà. Nên tiếp tục chăng?

Comments


Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page