top of page

Chuyện xưng hô

Định sẽ nghiên cứu thêm vì ủ về đề tài này lâu lâu rồi, trước một chút hồi viết mấy cái note chuyện bất bình đẳng giới, chuyện tiền nong, chi tiêu, bếp núc, etc, nhưng mà bị Linh summon tôi lên (vẫn đang bị ám phim Lucifer chưa hết )), thành ra tôi lại thấy ngứa ngáy, nói tí tẹo chuyện này. Linh đặt ra một thắc mắc rất hay là thế các đôi đồng tính nữ, mọi người gọi nhau như thế nào? Và rồi hay hơn nữa, phạm trù này được mở rộng là thế các đôi đồng tính nam gọi nhau ra sao? rồi nhiều bạn bè dị tính của Linh cũng hăng hái tham gia vậy một đôi nam-nữ ở với nhau thì mọi người gọi nhau như thế nào.... Tôi thề là bài này sẽ cực kỳ lộn xộn, vì tôi chưa biết sẽ tổ chức nó như thế nào nên tôi nghĩ sao nói vậy cho nhanh. Mà cũng phải mở ngoặc đơn là những bạn bè trong giới của tôi bây giờ cũng dần dần lui về hậu cung, vô tủ rồi, nên tôi không rõ nhóm sau 2000 thì gọi nhau như thế nào. Một cặp phạm trù được sử dụng vô cùng phổ biến đều dựa trên các biến thể của cặp đôi dị tính là vợ-chồng với tất cả các cặp đôi bất kỳ xu hướng tình dục ra sao, các cụ ạ. Nhân thể, tôi giới thiệu cặp này Ox-bx, đọc to lên là “ốc xào- bún xào”. Ốc xào là ông xã, và bún xào là bà xã. Như vậy ngoài vợ- chồng, còn có ông xã-bà xã, có ông-bà.... Cặp phạm trù vợ -chồng được dùng nhiều làm tôi nhớ đến một bài viết tôi rất thích, đọc đến gần 15 năm trước của Nguyễn Hưng Quốc, đi mổ xẻ Vợ là gì khía cạnh ngôn ngữ. Hóa ra vợ có nghĩa gốc là bợ có nghĩa là đỡ cái thứ chồng lên... Tôi vẫn nghĩ cách chúng ta xưng hô như thế nào, gọi nhau thế nào, nó sẽ tạo ra những sự ràng buộc và thiết lập quyền lực giữa hai phía một cách tự nguyện và vô thức. Ở bên Hàn, một đất nước có văn hóa thứ bậc cực kỳ quan trọng, nên các title như giáo sư, trưởng phòng, anh, em, tiền bối, hậu bối, etc được dùng cực nhiều và luôn đứng trước khi gọi tên ai đó. Văn hóa mình không có đoạn ấy, nhưng có cách khác để thiết lập trật tự trên dưới như cô-dì,- chú-bác- anh-em, chồng- vợ, và khi sử dụng chúng, mình thiết lập các trật tự ấy....(Thực ra cũng có ngoại lệ như bác giám đốc, chị giám đốc chẳng hạn, thật kinh khiếp nếu nghĩ khi người ta phải ứng xử tương xứng với việc người ta gọi người khác như thế nào). Vì thế hồi không còn học ở Hàn nữa, sang một nước khác, tôi rất thích việc gọi tên giáo viên, những người lớn tuổi, ít tuổi hay bằng mình chỉ là tên. Tôi không biết các cặp đôi khi xưng hô là chồng- là vợ thì mọi người có làm rõ, đào sâu cái mình hình dung, mong đợi chồng là gì và vợ là gì không.... Nếu chọn cặp phạm trù vợ-chồng hoặc những thứ tương tự, ta có đang chơi lại các cặp phạm trù về giới và bỏ đi cái trật tự quyền lực hay không? Nhân dịp tháng bảy, nghĩ về những người đã mất, tôi nhớ lại người cha của mình và không khỏi nghĩ đến câu chuyện cả đời hai bố mẹ tôi gọi nhau. Mẹ tôi ít gọi tên chồng mà không kèm theo một danh xưng như ông, lão + tên bố tôi. Còn bố tôi, ít hơn mẹ tôi 2 tuổi, thường gọi mẹ tôi bằng tên. Bực một chút, bố tôi sẽ gọi là “mẹ nó” thế này, "mẹ nó" thế kia. “Nó” ở đây là bọn tôi, những đứa con của ông bà. Khi cãi nhau, tất nhiên họ sẽ xưng mày-tao, một cặp phạm trù thuần Nôm rất hay ho và bình đẳng khi hai người muốn sòng phẳng với nhau. Còn khi âu yếm, họ gọi nhau là mình, là nhà nó, là cậu-tớ, ông-tôi. Ít khi tôi thấy mẹ tôi gọi bố tôi bằng anh. Thậm chí có nhiều lần bố tôi còn cố tìm cách để nghe được một câu có từ Anh mà mẹ tôi không gọi được vì ngượng mồm (mẹ tôi đã gọi bố tôi là Anh trong ngày đưa bố tôi ra ngoài đồng, làm bọn tôi đang sụt sịt cũng ngỡ ngàng vì nghe có gì đó sai sai). Trên giấy tờ và với mọi người, tất nhiên họ là chồng-là vợ, nhưng trong mối quan hệ cá nhân, họ dùng những từ bình đẳng hơn...và thực lòng tôi thấy cái từ cậu- tớ nghe rất thân mật, và tôi yêu cái từ “Nhà tôi” khi bố mẹ tôi dùng để giới thiệu người bạn đời của mình với người khác. Nói như thế, không phải lúc nào quyền lực cũng áp đặt vào trong cách gọi. Xưng Em, nhưng với nhiều người không hẳn là kẻ yếu. Gọi bằng Cụ, bằng Bác, chưa chắc kẻ gọi đã chịu mình ở chiếu dưới. Mẹ tôi hay dùng một cách gọi mà tôi cực ghét lúc còn bé đấy là “bà” và xưng "tôi" mỗi khi mẹ điên tiết với tôi. Con bé cháu tôi mới chưa được năm tuổi, sau khi chào tôi là “bác” nó quay chào bạn tôi, một người hơn nó 4 con giáp là “anh”, không phải là nó không biết phải gọi thế nào cho phải mà nó đã biết dùng việc trêu chọc như một cách để thử cái quyền lực, sự áp đặt của ngôn ngữ. Tôi nghĩ “bạn đời”, hay “nhà tôi” là những từ rất hay hơn từ chồng- vợ và có thể sử dụng cực kỳ rộng rãi với các cặp đôi khác nhau, chứ chẳng phải cặp đôi dị tính.... Quen thói dùng từ Vợ, thì hiểu người kia sẽ là Chồng trong một cặp đôi (tôi theo dõi nhiều diễn đàn, các bạn trong giới vẫn hay dùng. Ví dụ phim Chồng ơi, mở cửa, các bạn mượn các phạm trù dị tính rất rõ như chồng- vợ, chồng và xưng Em, Anh dùng xưng với Vợ. Hay trong các confesion của các bạn gay, các bạn kể xấu chồng hơi nhiều và cũng có nhiều bạn nên kể VỢ mình thế nọ thế kia. Ở khía cạnh tích cực, thực ra dùng cặp phạm trù của dị tính nhưng chẳng mang ý nghĩa dị tính mà nói về các cặp đôi đồng tính cũng hay. Ví dụ như Vợ bắt gặp Chồng mình đi làm Vợ cho một bạn top khác, người xem sẽ phải giải mã, Vợ là ai ở đây. Có thể lắm là một mối quan hệ dị tính, nhưng cũng có thể một mối quan hệ đồng giới. Dù sao thì loạn lên. Nhưng tôi thấythích vì lúc luận ra cũng vui ra phết. Tí quên kể chuyện quen thói tự lắp mảnh ghép như thế, tôi đã gặp một chuyện vô cùng hài hước và thấy rõ những cặp phạm trù dị tính nó ăn sâu đến đâu trong mình (tương tự như nhiều người thấy một cặp đôi cùng giới với nhau thì ngay lập tức hỏi ai là vợ, ai là chồng) khi một chị diễn giả giới thiệu nhờ phong trào nọ kia, chị đã gặp vợ chị ấy bây giờ và kết hôn, trong đầu tui đã nghĩ cặp đôi này thú vị làm sao. Một chị fem làm chồng, còn vợ chị ấy là một butch cứng cựa, một boxer. Sau đó, chúng tôi cùng đi dự tiệc và tôi gặp chị “vợ” boxer, chị ấy hỏi tôi và người bạn đang đi cùng rằng bọn tôi có thấy vợ chị ấy ở đâu không. Tôi bị khựng lại một chút và rồi không khỏi đập đầu mình một cái đã đời. Cả hai chị đều gọi nhau là VỢ. Nhờ cú ấy, tôi bắt đầu để ý nhiều đôi nam mà một người gọi người kia là Chồng, không có nghĩa họ là Vợ. Các bạn để ý phim Mỹ mà coi, nhiều cặp đồng tính nam cũng dùng cặp chồng- chồng nhé. Quay lại chuyện lối mòn trong cách nghĩ, tôi kết thúc cái bài lộn xộn này bằng một câu chuyện khác. Giáo sư hướng dẫn của tôi, một người gốc Ấn nói chuyện rất sắc sảo. Cô luôn nói về người bạn đời của mình là “partner”. Cô chẳng dùng từ chồng, cũng chẳng dùng tên. Cô không muốn bản thân mình bị định nghĩ bởi người cô chọn làm bạn đời trước khi người khác biết về cô. Nhiều đồng nghiệp của cô, nhất là nam giới nghĩ rằng cô là một lesbian cho đến một ngày có tiệc ở khoa, cô lôi ông nhà văn, bạn đời của cô đến giới thiệu. Họ đã sốc vì đó là một người đàn ông da trắng. Có người đã luôn mặc định cô trong một mối quan hệ queer khi cô dùng partner và trong tưởng tượng của họ, họ đã ghép một phụ nữ đanh đá, người da màu với một phụ nữ ....khác. Chắc chắn cô ấy dùng từ partner hoàn toàn có ý thức và điều thú vị nhất mà tui nghĩ khi nghĩ về cô ấy là cái tưởng cong hóa ra lại thẳng đến lúc nghĩ nó thẳng hóa ra chưa chắc hahaha. Điểm quan một chút, thấy có nhiều cách dùng tôi khá là thích trong các mối quan hệ như nàng- ta, anh-tôi, chị và tôi, etc, trong đó từ ta, tôi được dùng rất nhiều. Hay mọi người gọi nhau bằng nick name và xưng tôi, xưng tớ, ta-mi, bồ, cưng...nghe thật thật thương... Định hết chuyện, nhưng chợt nhớ một câu chuyện thủa tôi 14 tuổi. Lớn lên ở một cái làng mà trẻ con hay dùng Mày, Tao hoặc gọi tên rất nhiều. Cho đến một ngày, một bạn gái nhỏ như cái kẹo, rất xinh, ít hơn bọn tôi một tuổi chuyển về quê sống. Nó gọi bọn tôi là “anh”, bất kể giới tính và xưng “tôi”. Nó xuất hiện mang theo một cuộc cách mạng trong lớp 8 của tôi. Những đứa mới hôm qua còn mày tao, giờ nghe nó gọi anh tôi, thấy cái từ mày, tao của chúng tôi thật thô lỗ. Chúng tôi ngượng và chẳng đứa nào nói với đứa nào, bọn tôi ngấm ngầm thay đổi. Chúng tôi gọi nhau là anh- tôi, là Cậu Tớ từ đó. Bọn tôi vẫn còn thân nhau và chơi với nhau còn lâu hơn nữa cho đến hết những năm đại học, Mỗi đứa một nơi. Trong thư viết cho nhau, chúng tôi ngoài gọi nhau là cậu tớ, nó còn dùng từ “người ta” khi nói về tôi. Và cũng từ “người ta”, nó dùng để nói về bản thân mình. Tôi ít khi nghĩ về mối quan hệ của mình với nó queer cho đến một ngày nghĩ đến vụ ăn khoai chấm mật của của đợt chiếu phim Vườn Lài- xứ sở điệu kỳ, nhớ đến nó, đến thủa khi luộc khoai, chọn những củ ngon nhất mang đến lớp và giấu vào trong ngăn bàn cho nó hay nó hay dúi cho tôi những trái táo nhặt trong vườn thủa nào. Nhờ nó mà tôi thấy thích đi học kinh khủng vì luôn có thứ chờ đón ở trên lớp, thấy ngoài gia đình, mình có một mối quan hệ đặc biệt và yêu thương ... Cuộc sống hai đứa rẽ theo mỗi ngả. Giờ có điện thoại, có cả internet nữa, nhưng cả hai đã ít liên lạc. Nó đã làm vợ “người ta”- một người ta khác hẳn từ “người ta” đầy thân thương vẫn còn đọng lại đến giờ. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=34&rb=06&fbclid=IwAR2ymkIJMW2SN1-ubnF8jVztNBT9S8DhGiFKSw_BShVmEFzlvuDd2EkF8xk

(Những từ in làm stickers từ tập hợp từ về tính dục trong cuốn từ điển mới tôi đang làm)

Comments


Featured Posts
Recent Posts
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Classic
  • Twitter Classic
  • Google Classic
bottom of page